Album “VIETNAMESE CONCERT THE ALBUM” của
Hoàng Thùy Linh là bước đi đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam mang không
gian âm nhạc sống động từ Concert đến khán giả.
Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện về Hoàng Thùy Linh
ở cột mốc ít ai nhắc đến. Đó
là thời kỳ Internet vừa du nhập vào Việt Nam.
Theo đó, các diễn đàn âm nhạc dưới dạng
Forum truyền thống và các trang nhạc số sơ khai mọc lên như nấm. Bài hát
“Chuyện Tình Lá Và Gió” (Bản gốc “MOON & SUNRISE” của BoA - Lời Việt Vân Navy)
được lan truyền trên mạng một cách chóng mặt. Giai đoạn đó, “Chuyện Tình Lá Và
Gió” có thể gọi là viral ngay từ lúc Hoàng Thùy Linh chỉ mới demo 1/2 bài. Sau
“Chuyện Tình Lá Và Gió”, Hoàng Thùy Linh cover thêm “Đôi Khi Em Muốn Khóc” (Lời
Việt: Lê Xuân Trường) cũng viral trên các sân khấu hát online. Trước đó, Hoàng
Thùy Linh từng góp giọng trong bài hát “Đồng Thoại” cùng Tăng Nhật Tuệ, nhưng
phải chờ đến “Chuyện Tình Lá Và Gió” cùng “Đôi Khi Em Muốn Khóc”, Hoàng Thùy
Linh mới tạo được những hiệu ứng tốt đầu tiên trong âm nhạc. (Dù rằng, đến hơn
một thập kỷ sau, hai bài hát này mới được “danh chính ngôn thuận” xuất hiện
trong tuyển tập có tên “The Ballad Hits”). Công chúng bắt đầu kỳ vọng những sản
phẩm thuần Pop Ballad của Hoàng Thùy Linh và Linh đã bắt đầu chặng đường âm
nhạc mới bằng... Electro Dance.
Hoàng Thùy Linh debut bằng album “Hoàng Thùy
Linh Vol.1” (2010), tiên phong với dòng Electro Dance. Mở đầu thời kỳ này,
Hoàng Thùy Linh đã đầu tư hẳn một MV “hàng hiệu”, khi đây là một trong những
sản phẩm có chất lượng HD đầu tiên tại Việt Nam. Thành công của “Hoàng Thùy
Linh Vol.1” cùng “Nhịp Đập Giấc Mơ” lớn đến mức nhạc Electro Dance bùng nổ tại
Việt Nam suốt nhiều năm liền. Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương từng nổi danh trong nghề
với thể loại Rock, RnB, Dân Gian Đương Đại... trở thành cái tên được săn đón
với dòng Electro Dance. Phải nhắc thêm một chi tiết, rằng công chúng lúc này
vẫn còn kỳ vọng về một Hoàng Thùy Linh Pop Ballad, vì thế bài hát “Cho Nhau Lối
Đi Riêng” do Đông Nhi sáng tác cho album debut của Hoàng Thùy Linh trở thành
hit trên các bảng xếp hạng, dù không có MV quảng bá. Tiếp tục thành công của
album debut, Hoàng Thùy Linh nhanh chóng trở lại cùng album “Đừng Vội Vàng”
(2011) vẫn theo dòng Electro Dance.
Trong lúc thị trường còn đang sốt với
Electro Dance, Hoàng Thùy Linh “bẻ cua” với dòng nhạc Chill-out bằng bản hit
“Rơi” trong EP “Hoàng Thùy Linh 2022”. Đến nay, “Rơi” trở thành một trong số
những bản hit V-Pop kinh điển vẫn còn được nhắc đến và xuất hiện trong nhiều
chương trình truyền hình âm nhạc. Sau Chill-out, Hoàng Thùy Linh thử nghiệm với
Acoustic (“Hờn Dỗi” của Nguyễn Đức Cường) hay quốc tế hóa cùng EP “Hoàng Thùy
Linh EP 2013” (100% bài hát trong EP bằng tiếng Anh kết hợp cùng nhạc sĩ Lưu
Thiên Hương và Thanh Bùi).
Nhiều năm sau đó, Hoàng Thùy Linh vẫn là cái
tên được công chúng nghe nhạc kỳ vọng. Nhưng tiếng vang của những: EP “Just
You”, single “I’m Gonna Break” dường như không phát huy được hết bản năng sáng
tạo nghệ thuật của Hoàng Thùy Linh cho đến khi Linh tham gia chương trình “The
Remix – Hòa Âm Ánh Sáng 2016”.
“The Remix – Hòa Âm Ánh Sáng 2016” có thể
không mang đến thành công về mặt giải thưởng. Tuy nhiên, chương trình đã vô
tình đưa Hoàng Thùy Linh đến “Bánh Trôi Nước” (Thơ: Hồ Xuân Hương – Phổ nhạc:
Hồ Hoài Anh – Bản phối DJ TripleD) thuộc thể loại World Music. Thời gian “Bánh
Trôi Nước” xuất hiện trên sân khấu “The Remix – Hòa Âm Ánh Sáng 2016” cách khá
xa so với lúc MV được ra mắt. Tuy nhiên, “Bánh Trôi Nước” vẫn tạo hiệu ứng lớn.
Không chỉ mang đến giá trị văn hóa, “Bánh Trôi Nước” còn tạo làn sóng viral
trong, thường xuyên được các bạn học sinh – sinh viên trình diễn
trong các dịp lễ diễn ra tại trường học.
Thành công của “Bánh Trôi Nước” là tiền đề
mở ra kỷ nguyên album “Hoàng” (2019) rực rỡ. Không ngoa khi nhận định, “Hoàng”
chính là dấu son rực rỡ nhất trong sự nghiệp Hoàng Thùy Linh lúc bấy giờ khi
kết hợp cùng DTAP. “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”, “Duyên Âm”, “Em Đây Chẳng Phải Thúy
Kiều”, “Tứ Phủ”... không chỉ thành công, mà còn truyền cảm hứng đến nhiều nghệ
sĩ trẻ đương thời.
Giai đoạn đầu của kỷ nguyên album “LINK” (2022)
có thể nói gặp sức ép lớn từ sự kỳ vọng của công chúng nghe nhạc. Sự thành công
của “Hoàng” lan rộng đến mức tạo “tảng đá” đè nặng lên single “Gieo Quẻ” - mở
đầu cho kỷ nguyên mới trong sự nghiệp Hoàng Thùy Linh. Phải đến vài tháng sau,
“Gieo Quẻ” mới trở thành bài hát viral trên các nền tảng mạng xã hội, nhờ vào
giai điệu phù hợp với dịp Tết Nguyên Đán. Và rồi tiếng chuông “Ting Ting Tang
Tang” của single “See Tình” xuất hiện, mở lối cho âm nhạc Việt xuất hiện không
chỉ ở Việt nam mà còn các nước Châu Á lân cận.
Đến đây, tôi nghĩ mình không cần phải nhắc
thêm về thành tích của album “Hoàng”, album “Link” hay sự lan tỏa văn hóa của
“Gieo Quẻ”, “See Tình”, “Bo Xì Bo”... bởi báo chí, truyền thông dường như khai
thác đã đủ nhiều. Tôi xin phép đề cập đến khía cạnh khác đến từ việc
dõi theo cách Hoàng Thùy Linh vận hành các dự án âm nhạc.
Nếu ở thị trường quốc tế, kỷ nguyên của một
dự án âm nhạc có đời sống đủ lâu để lan tỏa đến công chúng thì đời sống ấy tại
Việt Nam bị rút gọn khá nhiều. Ở đây, tôi dùng từ “kỷ nguyên” (era) bởi nghệ sĩ
quốc tế thường sẽ tạo nên một hệ sinh thái cho các sản phẩm sáng tạo trong cùng
một giai đoạn: Single - MV - Album - Tour hoặc Concert kéo dài từ nửa năm, có
khi đến vài năm, tùy vào hiệu ứng. Trở lại thị trường Việt Nam, sản phẩm âm
nhạc thường mang đời sống ngắn hạn: Single - MV - Album và kết thúc ở mốc 3
tháng hoặc sáu tháng cho vòng đời một dự án sáng tạo.
Kể từ kỷ nguyên “Hoàng” và gần nhất là
“LINK”, Hoàng Thùy Linh luôn có cách khai thác triệt để các sản phẩm sáng tạo.
Đến khi ra mắt album, kỷ nguyên vẫn tiếp diễn có khi đến tận 3 năm. Gần nhất,
sau “VIETNAMESE CONCERT” diễn ra vào tháng 9/2023, đến nay kỷ nguyên “Hoàng” và
“LINK” vẫn tiếp tục vòng đời bằng album “VIETNAMESE CONCERT THE ALBUM” vừa phát
hành vào đầu tháng 11/2024.
Album “VIETNAMESE CONCERT THE ALBUM” là bước
đi đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam mang không gian âm nhạc sống động từ
Concert đến khán giả.
Thông thường, nghệ sĩ Việt Nam lẫn Quốc Tế sẽ phát hành phiên bản quay hình hoặc album thu Live. Điều này dẫn
đến bất cập cho khán giả nếu họ chỉ muốn nghe phiên bản phòng thu sạch sẽ, không tạp âm.
Để nghe được bản phối chỉn chu, khán giả thường phải nghe bản “lậu” được tuồn
ra từ ekip hoặc được dựng lại từ các producer khác. Không khó để chứng thực
điều này bằng cách tìm đến nền tảng YouTube, chúng ta sẽ tìm thấy hàng loạt
phiên bản phòng thu từ Tour diễn của Michael Jackson, Madonna, Britney Spears,
Katy Perry...
Ở đây, Hoàng Thùy Linh hoàn toàn chủ động
mang không gian của “VIETNAMESE CONCERT” đến khán giả một cách trọn vẹn. Tôi
(với vai trò là một khán giả) khá hào hứng và bất ngờ khi được nghe “Rơi” dân
gian hơn hay “Miền Đất Hứa” (Hoàng Thuỳ Linh, Đen, DTAP và CUKAK) với phiên bản
mới mẻ, nhiều cải biên hơn bản phối từng phát hành trước đó.
Sau “VIETNAMESE CONCERT THE ALBUM”, Hoàng
Thùy Linh sẽ phát hành phiên bản quay hình của concert và phim tài liệu về hậu
trường thực hiện... đó gần như là điều chắc chắn. Nhưng với “tham vọng” của
Hoàng Thùy Linh, liệu bấy nhiêu có đủ? Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng MV
“Trưởng Nữ Chạy Trốn” hay “không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em
lúc này.” sẽ tiếp nối kỷ nguyên “LINK”.
Sao lại không, nhỉ? Chỉ là, chúng ta kỳ vọng
thôi mà, có mất mát gì đâu! Dưới kỷ nguyên âm nhạc “bình yên dưới cây chanh
thần...”* không gì là không thể!
*Chú thích: Đoạn lời bài hát “Miền Đất Hứa”
trong album “VIETNAMESE CONCERT THE ALBUM” của Hoàng Thùy Linh.
RAY