Nhân
Quốc tế Phụ nữ 8/3, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức buổi
giao lưu, trò chuyện cùng các diễn giả - tác giả nữ: Phạm Thị Ngọc Liên, Hoàng
My, Cao Bảo Vy và Hồ Yên Thục với chủ đề “Để yêu thương cất lời” như một dịp
cho chúng ta cùng ngồi lại với nhau, tâm sự về một nửa của thế giới.
Đọc
các tác phẩm mới ra mắt của các tác giả, tuy là bốn chủ đề độc lập, tưởng chừng
không chút liên quan, nhưng tựu chung lại đều là những sự việc diễn ra thường
ngày, đó chính là những vấn đề mà bất cứ phụ nữ nào cũng đã - đang - sắp đối diện
như: Hành trang mang theo ở từng giai đoạn của cuộc đời? Sau tất cả những thay
đổi, bôn ba vượt qua nhiều sóng gió thì điều quan trọng nhất của những người phụ
nữ trong cuộc đời là gì?...
Trong
tác phẩm “Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng”, Phạm Thị Ngọc Liên mang đến một
bức tranh về những sắc thái trong tình yêu và hôn nhân, sẽ khiến bạn đọc cuốn
theo mạch truyện, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ở từng câu chuyện,
tác giả đều khéo léo pha trộn chất hình sự, trinh thám, kinh dị trong những câu
chuyện tình yêu như: Huyền Rubik; Vực thẳm; Sông của mẹ; Nụ hôn buốt giá; Khu
vườn có hoa Ngọc Lan; Người đàn ông có cái đuôi hình thuổng… Tác giả đã đưa người
đọc vào những tình huống khi thì như có thể đoán trước diễn biến câu chuyện,
khi thì lại hết sức bất ngờ ngoài sức tưởng tượng, khi thì gần gũi, ấm áp; khi
lại ghê rợn đến run rẩy... Mượn những giấc mộng không hề có thực, Phạm Thị Ngọc
Liên đưa chúng ta vào những khu vườn mộng ảo. Trong bức tranh hôn nhân ấy,
thông điệp mà tác giả muốn gửi đến mọi người đàn ông rằng họ nên biết, cần biết,
phải biết, đó là một kết luận chân thành và sắc lẻm của Albert Camus: “Đến một
độ tuổi nhất định, người đàn ông phải tự chịu trách nhiệm về bộ mặt của anh
ta”.
Trái
ngược hoàn toàn là “Nhà lúc đông lúc vắng”, tác giả Hoàng My kể cho chúng ta
nghe những tình cảm ấm áp để ta luôn trân trọng những phút giây bên gia đình. Tập
sách này là những câu chuyện đời thường, giản dị, đôi khi nhỏ nhặt mà thấm thía
về các mối quan hệ trong gia đình. Càng trưởng thành, người ta càng nhận ra chỉ
có tình thân là mãi mãi, là chỗ dựa để quay về, là còn mãi sau những được mất,
thăng trầm của cuộc đời. “Nhà lúc đông lúc vắng” của Hoàng My phác họa một bức
tranh gia đình giản đơn nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương mà mỗi chúng ta là một
thành viên không thể thiếu. Đọc những trang sách này, chúng ta sẽ nhận ra một
chân lý giản đơn rằng, cuộc sống đôi khi chỉ cần được sum vầy bên nhau, có
nhau, là đã có thể cảm thấy được bình yên, hạnh phúc. Như lời nhắn nhủ mà tác
giả mong muốn chia sẻ với bạn đọc qua tập sách này, là “hãy cố gắng để những
ngày bên nhau, dưới một mái nhà thật nhiều ấm êm, sum vầy nhất…”
Tiếp
nối chủ đề gia đình là tác phẩm “Chân nhỏ dũng cảm - Cùng con đi khắp thế gian”
là nhật ký hành trình xê dịch tại Việt Nam và sáu quốc gia khác của hai mẹ con
tác giả Cao Bảo Vy, từ khi cô bé chỉ mới 18 tháng tuổi đến khi 11 tuổi. Tập hợp
33 tản văn dung dị và tràn đầy cảm xúc của hai mẹ con khi cùng nhau rong ruổi
trên những chặng đường, quyển sách không chỉ kể về những chuyến đi, những điều
thú vị trên đường đi, mà còn chứa đựng cả những bài học nhỏ, những tâm tình mẹ
con, những chi tiết và ký ức góp nhặt được về những con người ở những vùng đất
họ đi qua. Chủ nghĩa xê dịch luôn đầy sức hấp dẫn, nhưng với những hành trình
chỉ có mẹ và con gái cùng đi, đặc biệt khi con gái còn bé, không phải chuyến đi
nào cũng dễ dàng và trải nghiệm nào cũng suôn sẻ. Nhưng những chuyến đi đó sẽ
giúp con người vững vàng, cứng cáp, trưởng thành. Riêng với hành trình du ký
này, đó là những kỷ niệm tuyệt vời bởi mẹ con có nhau, cùng nước mắt, nụ cười
và hạnh phúc”. Cũng như câu nói: “Chuyện vui thì là kỷ niệm, chuyện chưa vui
thì là kinh nghiệm”, những góp nhặt tỉ mẩn trên đường hẳn sẽ trở thành hành
trang vô giá mà không phải ai cũng có được.
“Nhật
ký cô giáo” của Hồ Yên Thục lại như một sitcom hài hước chưa có hồi kết về câu
chuyện giảng đường của cô giáo. Đây là một series bắt đầu từ “Học kỳ Xuân”, “Học
kỳ Hè” cho đến “Học kỳ Thu” và sắp tới có thể là “Học kỳ Đông”, cô giảng viên từ
khi mới vào nghề đã bắt đầu ghi chép lại những ngày đầu làm việc còn bỡ ngỡ ở
trường đại học mà cô yêu thương gọi là học quán thanh xuân. Ban đầu chỉ là những
mẩu chuyện ngắn đăng facebook, dần dần cuốn nhật ký của cô dày lên và cảm xúc
được chép lại cũng phong phú hơn. Càng về sau, Nhật ký cô giáo càng chứa đựng
nhiều tình cảm cô trò, giận dỗi, tin tưởng, che chở nhau làm cho học quán nơi
cô giáo làm việc hiện lên vô cùng sinh động và giàu tình cảm. Qua những trải
nghiệm cùng nhau trên giảng đường, cô giáo có thêm khả năng nhìn thấy vẻ đẹp
trong mỗi tên đệ tử “tiểu yêu”. Nhờ đó cô luôn may mắn nhận được tình cảm yêu
thương vô điều kiện của học trò, sự giúp đỡ, động viên vô tư của đồng nghiệp,
giữ cho cô vững bước trên con đường sư phạm.
Cùng
với sự dẫn dắt của nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà văn Phương Huyền, buổi giao lưu
trò chuyện “Để yêu thương cất lời” như một món quà dành tặng cho một nửa của thế
giới sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 phút sáng thứ Bảy ngày 4 tháng 3 năm 2023 tại
Sân khấu chính Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận
1). Rất mong nhận được sự tham dự và hỗ trợ thông tin của Quý Phóng viên Báo,
Đài.
MỌT SÁCH